Ginger Farm
Lemon Grass
Benzoin Forest
Farmer on the farm
Rose Farm

Rớt giá thảm hại, người dân khóc ròng vì cây

Được ví là loại cây “vàng đen” mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Gia Lai, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, hồ tiêu đang trở thành gánh nặng, làm điêu đứng, thậm chí khiến nhiều gia đình khuynh gia, bại sản.

 

Chúng tôi có mặt tại Ia Grai của tỉnh Gia Lai vào những ngày đầu tháng 7, đây là những tháng mùa mưa và người trồng hồ tiêu cũng đang vào mùa chăm sóc, phun thuốc diệt bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều vườn hồ tiêu bị người dân bỏ không, thậm chí có những gia đình đang phá bỏ.

Ghé vào vườn nhà chị Chu Thị Bắc, làng Ram, chị Bắc buồn rầu chia sẻ: “Phải phá bỏ thôi, chả có tiền mà đầu tư nữa. Vài năm trước, giá tiêu đạt 230.000 đồng/kg thì bây giờ rớt thảm. Mỗi kg chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng mà không có người mua. Chán ngán lắm các chú ạ”.

Chỉ vào những gốc hồ tiêu chết, anh Bùi Văn Ơn ngao ngán: “Hàng năm cứ mua nợ của các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu để chăm bón cho tiêu rồi đến khi thu hoạch, bán tiêu để trả. Giờ tiêu rớt giá, bán không đủ tiền trả công người làm nói gì đến trả tiền đầu tư”.

Theo anh Ơn, hồ tiêu là loại cây khá khó tính. Công việc chăm sóc phải kỹ lưỡng, không thể dùng cuốc, cày...để chăm sóc được vì chỉ cần làm đứt rễ là hồ sẽ chột, cho ra quả ít hơn. Bởi vậy phần lớn là phải dùng tay để nhổ cỏ, bẻ từng chiếc lá già. “Tiền thuê người làm mỗi ngày cũng 250.000 – 300.000 đồng/người. Rồi tiền thuốc sâu, tiền phân bón nữa” – anh Ơn chia sẻ.


Nhiều hộ dân không còn khả năng chi trả đã bỏ mặc vườn hồ tiêu

Theo lời kể của người dân ở Ia Grai, các hộ dân trồng tiêu ở đây còn đỡ hơn phần nào, các huyện lân cận trồng nhiều như: Chưa Pưh, Hòa An... nhiều gia đình đã khuynh gia, bại sản vì hồ tiêu. Thậm chí có người đã phải tự tử vì thứ “vàng đen” này.

Gia đình chị Lương Thị Bích Phượng ở Hòa An (Nhơn Hòa, Gia Lai) trước đây được người dân trong vùng khen ngợi hiền lành, chịu thương chịu khó. Từ 2 bàn tay trắng, họ đã từng bước tạo dựng được một cơ ngơi vững vàng nhờ trồng hồ tiêu. Song đáng buồn thay, việc chăm chỉ lao động, không ngừng mở rộng sản xuất lên đến con số 8.000 trụ hồ tiêu đã để lại cho gia đình chị Phượng số nợ ngân hàng 4,6 tỷ đồng. Chị Phượng cho biết, cứ năm nào làm có lãi là vợ chồng lại mua thêm đất để trồng hồ tiêu với hy vọng cuộc sống sau này đỡ cực, 4 đứa con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Không ngờ, sướng đâu chưa thấy, chỉ sau 3 mùa hồ tiêu bệnh, gia đình phải suốt ngày chạy đôn chạy đáo để đáo nợ ngân hàng. Đến giờ thì gia đình chị Phượng đành bất lực trước món lãi hơn 40 triệu đồng/tháng. Theo người dân ở đây, sau khi dùng hạ sách là nhổ bán hết trụ hồ tiêu, họ đã trồng các loại cây ngắn ngày nhưng thu nhập chẳng thấm vào đâu so với số tiền lãi hàng tháng.
 

Tiêu rớt giá thê thảm khiến người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn

Trao đổi với phóng viên, trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, ông Nguyễn Long Khánh cho biết, toàn huyện có hơn 2.800 ha hồ tiêu, đến thời điểm hiện tại các hộ trồng tiêu dường như đã phá sản hoàn toàn. “Trước đây, Chư Pưh là vùng đất mới nên trồng tiêu khá dễ. Giờ đây, đất bị ô nhiễm cây tiêu dễ bị nhiễm bệnh cộng với việc tiêu rớt giá thảm hại nên nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần dẫn đến việc trắng tay, phá sản” – ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, để trồng được 1.000 trụ hồ tiêu, người dân phải bỏ ra chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra tiền công chăm sóc, tiền phân bón và thuốc trừ sâu là chưa kể. “Giá những năm trước thời kỳ cao điểm là 250.000 đồng/kg giờ rớt xuống 50.000-60.000 đồng thì không còn đủ tiền trả công chứ chưa nói thuốc sâu, phân bón” – ông Khánh cho biết.

Vừa qua, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh Gia Lai đã chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động và hướng điều chỉnh vay nợ đối với người dân trồng hồ tiêu.

Trong báo cáo tại Hội nghị, nhằm chia sẻ khó khăn đối với những khách hàng bị thiệt hại do cây hồ tiêu bị dịch bệnh chết, giá hồ tiêu xuống thấp, các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, chủ động phối hợp với khách hàng để đánh giá lại các khoản nợ để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới. Cụ thể, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 81,2 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 41,1 tỷ đồng; doanh số cho vay mới là 120 tỷ đồng.